Trí tuệ cổ nhân: Ngạo mạn và thiên kiến là nhược điểm của nhân tính

Lão Tử giảng: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển.” Xưa nay người có đức tính khiêm tốn luôn được quý trọng bởi vì họ đã vượt qua được hai nhược điểm lớn của nhân tính là ngạo mạn và thiên kiến.

Huangshan (Yellow Mountains), a mountain range in southern Anhui province in eastern China. It is a UNESCO World Heritage Site, and one of China’s major tourist destinations.

Cổ nhân luôn coi trọng những người khiêm tốn, biết kính sợ và coi thường những người ngạo mạn, ngông cuồng. Khổng Tử nói: “Tiểu nhân không hiểu mệnh trời nên không biết sợ, khinh mạn bậc đại nhân, coi thường lời nói của Thánh nhân”. Người tri thức hạn hẹp nhưng lại cho mình là tài giỏi hơn người thì được coi là tiểu nhân, vô minh.

Con người ai nấy đều ít nhiều theo đuổi hư vinh, hy vọng bản thân được người khác thừa nhận. Khi tự khoe mẽ bản thân, bành trướng cái tôi thì tâm hư vinh này sẽ chuyển thành ngạo mạn. Bởi vì người ngạo mạn luôn muốn bảo vệ chính mình, chứng tỏ bản thân, nên trong cách nhìn, cách nghe, cách nghĩ và cách nói sẽ mang theo sự cố chấp. Do đó ngạo mạn lại sinh ra thiên kiến, khiến cho quan niệm của người ấy trở nên thiên lệch. Họ không thể nhìn nhận, đánh giá bản chất sự vật, sự việc một cách khách quan, toàn diện được.

Con người sinh sống trong xã hội, nhất là trong xã hội hiện đại, thì cái ích kỷ, cá nhân sẽ càng ngày càng lớn. Đây chính là “tư”. Cũng bởi vì “tư” mà sinh ra các chủng tâm không tốt như đố kỵ, tư lợi, tranh đấu… Trong các chủng tâm này thì ngạo mạn cố chấp là một thói xấu rất dễ phạm phải.

Người ngạo mạn thường tự đề cao mình, tự cho rằng bản thân mình có một ưu thế, điểm mạnh nào đó hơn người khác. “Ưu thế” này có thể thuộc về tinh thần, cũng có thể thuộc về vật chất. Người ngạo mạn luôn bất giác đặt mình ở trên cao, dùng ánh mắt “hơn người” để đánh giá thế giới và người khác. Biểu hiện bên ngoài bất luận là tỏ ra thanh cao hay cuồng vọng tự phụ, thì bản chất đều là đề cao bản thân mình, xem thường người khác.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể sẽ nghe thấy những câu nói như: “Bạn không hiểu tôi, tôi không trách bạn!” Những lời này thoạt nghe trên bề mặt thì thuộc loại khoan dung, khoáng đạt, nhưng thực chất lại ẩn chứa sự ngạo mạn thiên kiến. Bởi vì người nói vẫn đang tự đặt bản thân mình cao hơn người khác.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy”. Thiện thực sự là giống như nước, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh không giành. Nước ngày đêm chảy, cứ vậy mà tiến về phía trước; gặp chỗ trũng, hố sâu thì rót đầy; gặp núi ngăn trở, thì chuyển mình chảy tiếp; gặp vật ngăn cách, thì tự đảo chiều dòng chảy. Người ngạo mạn chính là thiếu tấm lòng bao dung, muốn chứng tỏ mình, cường điệu mình mà sinh ra tâm tranh đấu, tranh giành hơn thua.

Khổng Tử giảng: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư”, ba người đi cùng tất sẽ có người làm thầy của ta. Bất luận một người có học thức cao hay thấp, thành tựu lớn hay nhỏ, nếu vì người khác không hiểu được ý mình mà sinh ra tâm oán giận, vì không được người khác chú ý mà tỏ ra khó chịu, vì thấy người khác chưa bằng mình mà có cái nhìn khinh rẻ, thì đó chính là sự tự mãn và thiên kiến.

Trên thế gian này, có những người có chút học vấn mà đã vội vàng kiêu ngạo, luôn tự cho mình là hơn nhất. Nhưng trí giả thực sự nhất định là người khiêm tốn, hạ mình mà tôn người, đó mới chính là người lương thiện chân chính. Người có cảnh giới tinh thần càng cao thâm, lại càng nhìn thấy những thiếu sót của bản thân và càng thấy mình vô cùng nhỏ bé, càng cảm thấy tự nhiên là vô hạn, cảm thấy sự tồn tại của Đạo.

Albert Einstein, một nhà bác học toàn tài, đã tâm sự một cách khiêm tốn về tri thức như vậy:

“Chúng ta chỉ ở vị trí của một đứa bé đi vào trong một thư viện khổng lồ chứa đầy sách bằng nhiều ngôn ngữ. Đứa bé biết rằng chắc có một người nào đó đã viết những sách ấy. Đứa bé không biết sách đã được viết ra bằng cách nào. Đứa bé không hiểu ngôn ngữ trong những sách ấy. Đứa bé chỉ mù mờ nửa tin nửa ngờ rằng có một trật tự huyền bí trong việc sắp đặt những cuốn sách đó nhưng không biết rõ trật tự đó là gì. Hình như đối với tôi, đó là thái độ cần có của ngay cả một người thông minh nhất đối với vấn đề Thượng đế. Chúng ta nhận thấy vũ trụ được sắp xếp một cách kỳ diệu và tuân theo một số quy luật nhất định, nhưng chúng ta chỉ hiểu lờ mờ những quy luật này.”

“Nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên”, người tài còn có người tài hơn, bên ngoài bầu trời còn có bầu trời khác. Đời người là hữu hạn nhưng tri thức, sự hiểu biết là không có giới hạn. Bởi vậy, làm người phải biết lấy “sự học là vô chừng”, khiêm tốn ham học hỏi, kính nghiệp kính sư, đừng vì chút kiến thức ít ỏi mà vội kiêu ngạo, coi thường người khác.

Nguồn trithucvn.org